Khái niệm về Phong Thủy
Khi nói về sự thành đạt của một đời người, người Trung Quốc
xưa thường quan niệm: “Nhất phúc, nhì phận, tam phong thủy, tứ đức, ngũ giáo”
(thứ nhất là vận may, thứ hai là phận số, thứ ba là phong thủy, thứ tư là đức hạnh,
thứ năm là học vấn).
Điều đó có nghĩa rằng, dù phong thủy có năng lực siêu phàm đến
mấy trong việc hình thành nên cuộc đời chúng ta, đó cũng không phải là thần dược,
chữa trị được mọi tai ương, vận rủi. Hiểu theo quan niệm trên thì vận may có
vai trò chủ chốt, rồi mới đến thân phận, tức nghiệp, những gì đã làm ở kiếp trước.
Những điều chúng ta thực hiện cho cuộc đời mình và cách
chúng ta cư xử với người khác trong thế giới hiện tại sẽ đóng góp một phần, và
cuối cùng là nền học vấn mà chúng ta tiếp thu được, những kiến thức giúp chúng
ta hiểu biết về thế giới xung quanh. Như đã thấy, phong thủy chỉ là một phần
trong toàn bộ các yếu tố cấu thành nên sự thịnh suy của một người.
Điều duy nhất làm cho phong thủy khác với các hệ thống triết
học khác là sự linh hoạt, tự biến hóa của nó. Phần lớn các hệ thống triết học
tiến hóa dựa trên cùng một nguyên tắc: biết rằng thiên nhiên giữ một vai trò
quan trọng và tin rằng mỗi hiện tượng tự nhiên đều chịu sự chi phối của một
linh thần; sự thừa nhận những điều như vậy sẽ đem lại lợi ích cho cuộc sống của
con người. Nơi nào mà các triết lý đó được xác lập như một tôn giáo thì nơi đó
thần linh được tôn thờ. Nhưng phong thủy thì không. Trải qua bao biến động của
thời gian phong thủy vẫn còn nguyên là một triết thuyết và có thể được áp dụng
trong mọi nền văn hóa và tồn tại song hành với mọi tín ngưỡng của dân gian.
Khoa phong thủy sử dụng các công thức xác định mức năng lượng
trồi sụt của một cá nhân hay một ngôi nhà trong một khoảng thời gian nhất định.
Những công thức khác lại cho thấy nơi tốt nhất của một người khi sinh sống
trong nhà hay khi làm việc ở văn phòng, và thậm chí có thể chỉ ra vị trí kê giường
hoặc bàn phù hợp nhất. Nhiều người Trung Quốc mỗi năm mỗi thỉnh vấn các thầy
chiêm tinh để xem xét lại vấn đề này để mỗi hoạt động của họ trong năm có thể
được minh định một cách chính xác và tiến hành vào đúng giờ lành của họ. Điều
này được thực hiện kỹ đến từng chi tiết, ví dụ như thời gian tốt nhất để thụ
thai hoặc thậm chí để gội đầu.
Triết lý phong thủy thường được đón nhận bởi những ai nhận
ra rằng khung cảnh sống xung quanh tác động đến họ và thấy rằng cần phải làm điều
gì đó để cải thiện cuộc sống của họ. Đây là một suy nghĩ tích cực nhưng việc áp
dụng đúng thuật phong thủy vào thực tế đời sống đòi hỏi người thực hiện phải có
kỹ năng và để thích hợp với hoàn cảnh của một địa điểm hay cá nhân nào thì các
nguyên lý của nó không thể vận dụng một cách qua loa, đại khái.
Hiểu biết về phong thủy có thể giúp chúng ta tự đặt mình vào
những vị trí có lợi nhất trong môi trường sống của mình. Việc chọn nơi làm nhà
và văn phòng cũng như cách thiết kế nội thất sẽ ảnh hưởng đối với mỗi chúng ta
theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Thuật phong thủy không những giúp ta
biết vị trí thuận lợi nhất đối với ta mà còn chỉ cho ta cách bài trí, chọn màu
sắc và kiểu dáng để hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống. Trong một khu vườn, ta có
thể dễ dàng phân chia ra những khu vực thích hợp nhất cho từng loại hoạt động
mà chúng ta dự định cho nơi đó, nhưng cũng cần phải lưu tâm đến loại cây được
trồng trong vườn và cả nhu cầu của chúng nữa, vì những điều này cũng không kém
phần quan trọng nếu như chúng ta muốn môi trường phát triển tốt.
Những chương sau của cuốn sách này sẽ bàn đến các khía cạnh
vừa hấp dẫn vừa phức tạp của đề tài nói trên để mọi người có thể mang ra áp dụng
vào không gian của riêng mình. Việc thể hiện những lý thuyết của thuật phong thủy
vào cuộc sống chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích cụ thể cho chúng ta, cho dù
chúng ta chỉ mới biết sơ qua về chúng. Khi chúng ta hiểu nhiều hơn về môi trường
sống của mình và bắt đầu tích cực thay đổi những nhân tố gây khó chịu cho chúng
ta thì chúng ta đã bắt đầu hiểu rõ bản thân và vai trò của mình trong bối cảnh
rộng lớn hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét